Các điều cần biết về Edit truyện (2)

5. Các lỗi hay mắc phải khi edit
.
* Đầu tiên, lỗi các bạn hay mắc nhất chính là ngược từ. Khi edit, các bạn nên chú ý những lỗi này:
.
– toàn thân, cả người, thân thể, sắc mặt + tên
Vd: toàn thân Kim Kiền run lên; thân thể Hạ Vũ cứng lại, sắc mặt của hắn biến đổi
.
– lúc này, bây giờ, hiện tại + tên
Vd: lúc này tôi như một con thiêu thân lao vào biển lửa; hiện giờ tôi chẳng khác gì một đứa mù
.
– mặc dù, cho dù, tuy nhiên, tuy rằng, tuy…
Vd: Hắn mặc kệ nàng là ai, vẫn là có mục đích nào, hắn không để ý → Cho dù cô là ai, hay cô có mục đích nào, hắn không quan tâm
Ở đây từ “mặc kệ” có nghĩa là “cho dù”
.
Chú ý: Cô tuy không xinh đẹp nhưng trông rất đáng yêu (ở đây có thể để từ “tuy” ở trước chủ ngữ hoặc sau chủ ngữ đều được)
.
– (Làm gì đó) theo bản năng
Từ “theo bản năng” trong convert có thể edit thành: vô ý thức/ bất giác
Vd: Nàng theo bản năng cắn môi → Cô vô ý thức/ bất giác cắn môi
→ Lúc này từ được đặt lên trước hành động
Theo bản năng: nên dùng trong những hành động phản xạ có điều kiện
Vd: Nàng theo bản năng vươn tay ra đỡ → (edit) Cô vươn tay ra đỡ theo bản năng
→ Lúc này từ đặt ở sau hành động
.
– (Ai đó) trong lòng cảm thấy
Vd: Hắn trong lòng thấy buồn phiền → Trong lòng hắn thấy buồn phiền/ Hắn (cảm) thấy buồn phiền
→ Đặt “trong lòng” lên trước chủ ngữ hoặc bỏ đi
.
– (ai đó/ gì đó) giống như (ai đó/ gì đó) (thế nào đó)
Vd: Nàng giống như đóa hoa xinh đẹp → Nàng/ cô xinh đẹp giống như đóa hoa
       Hắn tựa như ngủ gật gật gù → Hắn gật gù giống như ngủ gật
→ Chủ ngữ + sự so sánh + giống như/ tựa như + người/ vật/ sự việc được so sánh
.
– Tên thành phố, đất nước
Với những từ: thôn, phố, xóm, thành phố, nước,… (trong truyện hiện đại, cổ đại có thể đổi vị trí hoặc không)
Vd: Diêm Tuyền thôn → Thôn Diêm Tuyền
.
– Tên gọi chức quyền
Hạ gia: nhà họ Hạ
Tổng tài: Tổng giám đốc
Hà quản lý: quản lý Hà
Ninh luật sư: luật sư Ninh
Lục thiếu tá: thiếu tá Lục
Hoàng thư ký: thư ký Hoàng => tên trước chưc vụ sau
Cát đạo: đạo diễn Cát (thường xuất hiện trong truyện Showbiz)
trọng sinh: trùng sinh, còn không thì viết thẳng ra luôn là sống lại
Đại ca, nhị ca, đại tẩu, tỷ tỷ,…: anh cả, anh hai, chị dâu, chị…
– Và một vài ví dụ khác:
Nụ cười kia liền như ngoài kia hoa sen chợt nở rộ -> Nụ cười kia như đóa hoa sen nở rộ ngoài kia
Cô từ trong ví lấy ra một tờ hóa đơn -> Cô lấy từ trong ví ra một tờ hóa đơn.
Ta mấy ngày nữa sẽ tới thăm nàng. -> Mấy ngày nữa, ta sẽ tới thăm nàng.
Hôm nay ta ở chợ nghe tin đồn về ngươi.-> Hôm nay ở chợ, ta nghe tin đồn về ngươi.
Cậu nếu không bận, ở lại chơi đi. -> Nếu cậu không bận, ở lại chơi đi.
Nàng chỉ là muốn ở bên cạnh hắn -> Nàng chỉ muốn ở bên cạnh hắn
.
* Ngoài ra, các bạn còn hay bị mắc lỗi về mấy từ như sau:
.
** ‘Hướng’ : Lúc edit ta hay thường thấy từ hướng này, chúng ta nên lượt bỏ chúng đi
.
Vd: hướng về phía hậu viện chạy đến => chạy về phía hậu viện
Hướng về phía nhân viên phục vụ vẫy vẫy tay => vẫy vẫy tay gọi nhân viên phục vụ
Hướng đến chỗ đối diện anh ngồi xuống => ngồi xuống đối diện với anh
.
– Chúng ta edit đừng nhất nhất y như QT, vì câu văn của bên Trung gọn hơn nên chúng ta có thể thêm từ thì cứ việc thêm cho câu đủ nghĩa, hay hơn.
.
** “Đối với”, từ này mình nên sử dụng thêm ngữ cảnh.
Vd: hắn đối với nàng tình sâu nghĩa nặng.
Nhưng câu: hắn đối với nàng nhất kiến chung tình => cái câu này có hai trường hợp
  1. Câu hỏi
“Ngươi nhất kiến chung tình với nàng ấy sao?”
  1. Lời tỏ tinh
“Ta đối với nàng nhất kiến chung tình, nhị kiến khuynh tâm.”
.
Thêm cái ví dụ nữa:
.
– Hạ Vũ đối với Diệp Gia Dĩnh hơi gật đầu => Hạ Vũ hơi gật đầu với Diệp Gia Dĩnh/
– Chị Cổ cũng đối với nhân cách của Đườn Quang Vũ giơ ngón tay cái lên => Chị Cổ cũng phải giơ ngón tay cái lên với nhân cách của Đường Quan Vũ; nếu câu này thấy nó cụt cụt, mình có thể thêm vào như thế này “Chị Cổ cũng giơ ngón tay cái lên tán thưởng nhân cách của Đường Quan Vũ”, mình có thể thêm or bớt sao cho câu cú nó hoàn chỉnh, không cần phải sát với raw, nhưng đừng làm câu lệch nghĩa sang nghĩa khác.
.
Khi các bạn edit, các bạn nhớ là phải dựa vào ngữ cảnh câu, thêm hoặc bớt gì cứ việc, đừng cứ nhất nhất mà dùng đối với. Mình ví dụ bằng hình cho bạn xem:
Như câu trong hình “Mặc dù không biết cây trâm đối với Tuyết Lê có ý nghĩa gì,” => “Mặc dù không biết cây trâm này có ý nghĩa gì với Tuyết Lê,”
.
Một số hình ví dụ khác: 
** “So với”
Vd: phát hiện nguyên nhân còn so với trước kia càng khó thừa nhận => phát hiện nguyên nhân càng khó thừa nhận hơn trước kia
Nhìn thấy cô so với trước kia càng đẹp đến mê người => nhìn thấy cô càng đẹp đến mê người hơn trước kia
.
** ‘Đem’, cái từ là từ rất nhiều bạn mắc lỗi. Từ đem tương đương với cầm, lấy, nhưng nhiều bạn lại edit thành thế này: hắn đem nàng chuyển đến trong tay người kia => người thì sao đem hay cầm hay lấy, phải dịch thành thế này “hắn chuyển nàng đến trong tay người kia” mới đúng.
.
Từ ‘đem’ trong trường hợp này thì được: “Đem cái nón đưa cho cô.”
.
Ví dụ: “Gọi bọn họ đem thuốc nổ thu lại.” => “Gọi bọn họ thu thuốc nổ lại.”
Hình ví dụ:
** ‘Cùng’, nó cũng tương tự từ ‘đem’ vậy.
** ‘Có phải hay không’, từ này có thì chỉ có số ít bạn mắc phải.
Vd: “Có phải anh hết yêu em rồi không?” => cấu trúc của nó là “Có phải… hay không”, các bạn edit đừng dịch “có phải hay không gì gì đó” là được rồi 😀 😀
.
* Trong lúc edit truyện, các bạn thường gặp vài từ cảm thán, phiên âm ra là “ngô, a, ân, di, hả, nga, ách, uy…”
.
– Chữ ách như là tiếng nấc thường hay xuất hiện trước câu ngạc nhiên, các bạn có thể chuyển thành hức, éc, hở… tùy các bạn.
– Ngô là tiếng đang nói bị chặn lại, như bịt miệng hoặc bóp cổ, giết người cướp răng gì gì đó, nên chuyển thành ưm, ư, ử gì đó, biến tấu tùy theo ngữ cảnh.
– Chữ a hay xuất hiện cuối câu là cách dịch rập khuôn của máy, các bạn nên bỏ đi, chỉ cuối câu hỏi mới nên giữ lại đổi thành ‘hả’ thôi.
– Từ ân, trong một số trường hợp là ừ, nhưng cũng có những lúc là ừm hoặc hử? hửm? nếu người nói có ý hỏi.
– Nga~ có thể chuyển thành à, vậy à, …
– Uy nên chuyển thành Này hoặc Nè.
– Di là từ cảm thán tỏ vẻ ngạc nhiên, giống như coi phim Hàn hay nghe thấy “mổ, mổ” í. Các bạn nên đổi thành hở? sao? gì cơ?
.
Còn đối với những từ như nửa ngày, kia, thần sắc, một mảnh thì đổi thành:
.
– Nửa ngày: từ này hay có trong các cụm như “ngây ngốc nửa ngày”, “sững sờ nửa ngày”,… mình nghĩ nên edit thành “hồi lâu”, nửa ngày là 12 tiếng rồi, ngồi nửa ngày thế thì thật bái phục, cứ coi như là nhấn mạnh đi, nhưng mình thấy nhấn mạnh nửa ngày như vậy thì hơi thái quá.
– Kia: từ này nếu xuất hiện ở đầu câu thì edit thành “vậy” hoặc “chuyện đó”,… tùy trường hợp.
– Thần sắc = vẻ mặt.
– Một mảnh: một tràng (âm thanh), một màn (không gian), một màu (màu sắc),…
– Chính là: tùy trường hợp mà edit thành “chỉ là, chẳng qua là”.
– Ngồi xếp bằng: từ này ít gặp, nếu để nguyên thì vẫn đúng, nhưng từ này không quen thuộc lắm. Đây là tư thế ngồi gập hai chân lại và xếp chéo vào nhau, đùi và mông sát xuống mặt nền. Edit là “ngồi khoanh chân” thì dễ hình dung hơn. Nếu trong trường hợp nhân vật tu luyện nội công thì dùng “ngồi xếp bằng” cho oai phong.
– Ôn nhu = dịu dàng.
– Lớn lên = bộ dáng, dáng dấp, dáng vẻ
– Thủy chung = từ đầu đến cuối
– Ly khai = rời đi
– Nhảy dựng lên: không phải lúc nào cũng là nhảy dựng lên, có chỗ sẽ là đứng bật dậy.
– Tiêu sái: từ này đọc có thể mờ mờ hiểu nhưng chắc nhiều bạn không diễn tả được, mình cũng chịu chết không biết thay thế bằng từ nào, chỉ viết giải nghĩa vào đây cho dễ hiểu hơn thôi. Tiêu sái = phóng khoáng, thanh cao hoặc thảnh thơi không vướng bận sự đời.
– Ngồi chồm hổm: ví dụ nhé, trong truyện có một anh nam đẹp trai phong cách, tự dưng cho anh ý “ngồi chồm hổm” thì mất hình tượng vô cùng, edit là “ngồi xổm” thì hay hơn. “Ngồi chồm hổm” nên dùng trong truyện hài thì hơn.
– Ngày thứ hai = ngày hôm sau.
– Đông tây = đồ vật.
– Là: ví dụ có 1 người sai bảo, người kia đáp “là” → edit thành vâng, dạ,…
– Tụ: từ này trong cv hay ghi là tay áo, edit là đỏ, hồng trừ trường hợp ghi hẳn là “đoạn tay áo” (đoạn tụ).
– Thủ hạ: từ này không phải lúc nào cũng có nghĩa là người dưới quyền (thuộc hạ), còn có nghĩa là dưới tay.
.
Đối với các từ tượng thanh:
.
– Phốc thông: bùm, tõm, tùm, bịch,…
– Ba ba: bang bang, đùng đùng, pằng pằng,…
– Cô lỗ: ùng ục
– Nguyên nguyên (原原): ùn ùn
Đôi khi, từ tượng thanh cũng được thay thế cho động tác. VD: Nồi cháo còn phải ùng ục thêm một lát. Ùng ục ở đây là nấu.

One thought on “Các điều cần biết về Edit truyện (2)

  1. Mình gặp một số bạn edit cuối câu hay giữ nguyên từ “a”, và mấy bạn ấy cho là nó đúng, để nguyên vì thích. Độc giả góp ý bỏ “a” đi thì bảo là áp đặt tiêu chuẩn người khác vào mình. Cơ sở lý thuyết rõ rành rạnh thế này mà nhỉ????

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.